<php> the_title();</php>

Dân Giàu Nước Mạnh Công Bằng Dân Chủ Văn Minh

Cụm từ “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định là sáng tạo độc đáo trong việc tìm tòi một công thức thể hiện được các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới hình thức phổ thông, sinh động, dễ đi vào lòng người, dễ hiểu đối với quần chúng nhân dân.

Đã có những quan niệm khác nhau về công thức trên. Nhiều ý kiến khẳng định đây là sự vận dụng sáng tạo quan điểm Mác – Lê-nin và Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, là sự thể hiện dưới hình thức mới “6 đặc trưng” trong Cương lĩnh 1991. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng với công thức này, chúng ta đã vượt thoát những khái niệm “cổ điển” như “chủ nghĩa xã hội”, “định hướng xã hội chủ nghĩa”, “nhân dân lao động làm chủ”… Có ý kiến nói “5 khái niệm” có thể thay thế “6 đặc trưng” của chủ nghĩa xã hội trong Cương lĩnh 1991. Để tránh những cách giải thích khác nhau, công tác lý luận cần góp phần xác định rõ nội dung của mỗi khái niệm.

1- Về khái niệm “dân giàu”.

Lần đầu tiên “dân giàu” được xem là một trong những tiêu chí của chủ nghĩa xã hội. Trước đây, chúng ta không nói “dân giàu” vì cho rằng khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng xong thì không còn phân biệt giàu, nghèo; cho rằng giàu là tư hữu, là tư bản; nói “dân giàu” không đúng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin… Tuy nhiên, đó là nhận thức nhiều tính chất cảm tính.

Thực ra, nói “dân giàu” (dưới chủ nghĩa xã hội) không trái với sự phân tích khoa học của C.Mác. Theo C.Mác, chủ nghĩa xã hội chưa xóa bỏ phân biệt giàu, nghèo; chủ nghĩa xã hội không “xóa giàu” mà chỉ xóa nghèo. Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gô-ta…, C.Mác chẳng đã từng nói: dưới xã hội cộng sản giai đoạn đầu, tức chủ nghĩa xã hội, vẫn không tránh khỏi “người này giàu hơn người kia” đó sao? Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản,C.Mác và Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”(1). Tuy nhiên quan niệm “giàu” dưới chủ nghĩa xã hộicủa chúng ta ngày nay có điểm mới so với quan niệm của C.Mác. C.Mác không nói “giàu về sở hữu tư liệu sản xuất, chỉ nói “giàu” về thu nhập, tức “giàu” trong sở hữu tư liệu sinh hoạt. Còn trong quan niệm của chúng ta ngày nay thì dưới chủ nghĩa xã hội rất có thể người này, nhóm người này sở hữu nhiều “cổ phiếu”, “cổ phần” hơn người kia, nhóm người kia. Như vậy, chẳng phải có sự phân biệt giàu nghèo (tương đối) cả trong sở hữu tư liệu sản xuất đó sao? Nhưng nguyên tắc mà C.Mác nêu lên vẫn hoàn toàn đúng: xã hội không cho phép bất cứ ai “dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”. Vấn đề ở chỗ làm thế nào, dùng những biện pháp gì để thực hiện nguyên tắc ấy trong điều kiện mỗi người vẫn có quyền làm giàu? Đây là vấn đề không đơn giản, song câu trả lời có thể tìm thấy – và chắc chắn sẽ tìm thấy – trong thực tiễn.

Theo quan niệm của chúng ta ngày nay, dưới chủ nghĩa xã hội “dân giàu” là một trong những điều kiện để nhân dân được hưởng hạnh phúc. Khuyến khích làm giàu một cách chính đáng, hợp pháp, chủ trương ấy không đi ngược lại mục đích của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên chủ trương trên còn phải bao hàm các biện pháp, chính sách về sử dụng sự giàu có sao cho đúng mục đích, bản chất của chủ nghĩa xã hội. Chúng ta cho rằng dưới chủ nghĩa xã hội làm giàu vẫn là động lực phát triển kinh tế bên cạnh những động lực khác.

Nếu chỉ nói chung chung “dân giàu” thì đây không phải đặc điểm riêng của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tư bản cũng thực hiện được “dân giàu” nếu chỉ xét về GDP và GNP tính theo đầu người. Nhưng dưới chủ nghĩa tư bản giàu bao giờ cũng đi đôi với nghèo, như hai mặt đối lập không tách rời nhau. Phân hóa hai cực là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Dưới chủ nghĩa xã hội vẫn còn tình trạng “người này giàu hơn người kia”, song không còn “phân hóa hai cực”, bởi lẽ cơ sở, nguồn gốc của tình trạng đó là chế độ bóc lột giá trị thặng dư đã bị xóa bỏ. “Dân giàu” chỉ mang bản chất xã hội chủ nghĩa khi “dân giàu” đi đôi với công bằng xã hội, tiến tới một xã hội người người đều giàu, nhà nhà cùng giàu, căn bản không còn những người thu nhập thấp, đời sống khó khăn, những người thất nghiệp phải sống nhờ vào cứu tế xã hội. Dưới chủ nghĩa xã hội, nguồn gốc của “dân giàu” và xã hội giàu không phải là bóc lột lao động trong nước, bóc lột lao động tài nguyên ở nước ngoài. Khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng hoàn chỉnh, mọi người chỉ có thể làm giàu từ lao động, kể cả lao động quản lý; không lao động, lao động hiệu quả kém, lao động giản đơn thì không có cơ hội “làm giàu”. Dưới chủ nghĩa xã hội không ai có thể làm giàu chủ yếu bằng cách góp vốn hưởng lợi nhuận, buôn bán cổ phiếu; càng không thể làm giàu bằng đầu cơ và các hoạt động kinh tế chụp giật.

Dân giàu và xã hội giàu còn được thể hiện ở những lợi ích công cộng phúc lợi xã hội ngày càng phong phú mà mỗi thành viên xã hội đều được hưởng. Đó là “cái mà người sản xuất với tư cách là cá nhân bị mất đi thì với tư cách là thành viên của xã hội, người đó lại nhận được một cách trực tiếp hay gián tiếp”(2).

Đối với chúng ta, một nước đang phát triển mục tiêu “dân giàu” có ý nghĩa đặc biệt.

Làm cho nhân dân ngày càng giàu là một trong những mục tiêu chủ yếu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng là thách thức vô cùng to lớn. Không những “phải cải biến tình trạng kinh tế – xã hội kém phát triển” thông qua công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn phải vươn tới địa vị một nước phát triển, tiến tới hội đủ hai yếu tố bảo đảm dân giàu: một là,xã hội công bằng với những cơ chế cho phép mỗi cá nhân, mỗi cơ sở kinh tế được làm giàu một cách hợp pháp; hai là,có lực lượng sản xuất hiện đại dựa trên trình độ khoa học công nghệ hiện đại, năng suất lao động xã hội cao, có tiềm lực về tài nguyên “chất xám”, có một nền kinh tế tri thức phát triển cao. Dân giàu đi đôi với công bằng xã hội là ước mơ ngàn đời của nhân dân ta, ước mơ ấy chỉ có thể được thực hiện dưới chủ nghĩa xã hội.

Further Reference:  Sách Giáo Khoa Ngữ Văn Lớp 7 Tập 1

Trong điều kiện của đất nư­ớc ta hiện nay không thể đòi hỏi mọi người đều “làm giàu”. Nói “làm giàu không khó” là không thực tế. Tuyệt đại đa số công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ, công chức – lực lượng chủ chốt làm giàu cho Tổ quốc – đời sống đã đ­ược cải thiện nhiều song chư­a thể giàu đ­ược. Vấn đề ở chỗ việc khuyến khích làm giàu chính đáng song không phải ai cũng làm giàu cho cá nhân được. Cũng không nhất thiết có làm giàu cho bản thân mới có thể làm giàu cho đất nư­ớc. Không nên, không đ­ược phép nói “nghèo là nhục”. Bởi nói thế xúc phạm đến hàng triệu người.

2- Về khái niệm “nước mạnh”

“Nước mạnh” với tính cách đặc trưng của chủ nghĩa xã hội không phải “nước mạnh” chung chung, hiểu theo bất cứ nghĩa nào mà “nước mạnh” với nội dung xác định. Nói một cách cụ thể: nước mạnh chỉ trở thành mục tiêu của chủ nghĩa xã hội khi “nước” là nước của nhân dân, do nhân dân làm chủ; khi nước mạnh là điều kiện để nhân dân được hưởng hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Nói về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, C.Mác – Ph.Ăngghen tập trung vào các quan hệ xã hội – giai cấp. Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu. Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở từng quốc gia riêng lẻ chưa được C.Mác – Ph.Ăngghen nghiên cứu, mặc dầu Ph.Ăngghen có nói đến “dân tộc xã hội chủ nghĩa”. Quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và dân tộc đã thay đổi sâu sắc sau khi chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực ở một nước duy nhất là nước Nga và sau đó ở nhiều quốc gia riêng lẻ khác. Sau cách mạng Tháng Mười, V.Lê-nin nêu quan điểm về sự thống nhất biện chứng giữa chủ nghĩa xã hội và Tổ quốc. V.Lê-nin chỉ ra rằng xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội chính là phải làm cho nước Xô viết trở thành Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hùng cường. Đó là quan điểm xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc. Như vậy “nước mạnh” trong mối quan hệ vừa nêu thống nhất với “chủ nghĩa xã hội vững mạnh”.

Vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giai cấp – dân tộc trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đại hội IV của Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Ngày nay Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập thì dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một”, “có chủ nghĩa xã hội, Tổ quốc ta mới có kinh tế hiện đại, văn hóa khoa học tiên tiến, quốc phòng vững mạnh; do đó bảo đảm cho đất nước ta vĩnh viễn độc lập tự do và ngày càng phát triển phồn vinh”(3).

Cương lĩnh năm 1991 của Đảng nêu bài học đầu tiên trong 4 bài học lớn của cách mạng Việt Nam như sau: “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vẫn là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ hữu cơ với nhau”(4).

Đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, “nước mạnh” là một mục tiêu lớn vô cùng quan trọng. “Nước mạnh” thể hiện ở ba sự bảo đảm sau đây:

Một là,bảo đảm khả năng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với các nội dung “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”(5).

Hai là, bảo đảm khả năng tranh thủ tối đa những cơ hội phát triển thông qua mở rộng hợp tác quốc tế, khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa.

Ba là, bảo đảm nâng cao địa vị quốc tế của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới. Đối với nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, “nước mạnh” là điều kiện thuận lợi để phát huy chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân; Việt Nam giàu mạnh là nhân tố tích cực của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Tóm lại, “nước mạnh” theo tinh thần của chủ nghĩa quốc tế mới là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

3- Về khái niệm “xã hội công bằng”

Một trong những khác biệt căn bản giữa chế độ xã hội chủ nghĩa với các chế độ xã hội có giai cấp là ở chỗ chủ nghĩa xã hội là chế độ đầu tiên trong lịch sử được xây dựng trên nguyên tắc công bằng xã hội. Xóa bỏ áp bức, bất công và những cơ sở nảy sinh áp bức bất công, xây dựng các điều kiện để con người phát triển tự do và toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc là mục đích của chủ nghĩa xã hội.

Xã hội công bằng là ước mơ ngàn đời của quần chúng nhân dân, những người chịu nhiều bất công trong xã hội cũ. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những tiền đề để thực hiện ước mơ đó, song bất công xã hội lại chính là điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản.

Các nhà lý luận của chủ nghĩa tư bản không đề cao giá trị công bằng mà đề cao giá trị “dân chủ” “tự do” (theo kiểu chủ nghĩa tư bản). Tuy nhiên, họ vẫn tuyên truyền rằng xã hội tư bản hiện đại bảo đảm được sự công bằng tương đối thể hiện ở chỗ mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đều có quyền “mưu cầu hạnh phúc”. Họ đánh đồng bình đẳng (bình đẳng hình thức, bình đẳng một số phương diện nhất định) với công bằng xã hội. Công bằng theo quan niệm tư sản là công bằng trên cơ sở chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xem đó là quy luật tự nhiên, muôn đời. Đó là công bằng trên cơ sở kinh tế không công bằng; công bằng lấy bất công làm tiền đề, bất công trên lĩnh vực cơ bản nhất của đời sống xã hội: lĩnh vực sở hữu. Về hình thức, tất cả mọi người đều có quyền “mưu cầu hạnh phúc”, song quyền ấy lấy gì bảo đảm? Mọi người đều thấy rõ: trong xã hội tư bản, điều kiện để “mưu cầu hạnh phúc” không như nhau, do đó “cơ hội” tìm thấy hạnh phúc cũng rất khác nhau. Đối với người này “hạnh phúc” không cần “mưu cầu” cũng đã thừa thãi. Đối với người khác “quyền mưu cầu hạnh phúc” thậm chí là một thứ quyền xa xỉ!

Xã hội công bằng mà chúng ta quan niệm, là một trong những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, không phải công bằng theo quan điểm tư sản. Vì nếu có đạt được sự “công bằng” như dưới xã hội tư bản thì hàng triệu quần chúng cũng không thoát khỏi được áp bức, bất công. Công bằng xã hội mà chúng ta phấn đấu để đạt được là công bằng theo quan điểm của chủ nghĩa xã hội. Đó không chỉ là mọi người đều có quyền mưu tìm hạnh phúc mà công bằng ngay trong những điều kiện xã hội để xây dựng hạnh phúc. Điều kiện hiện thực đó là nhân dân làm chủ xã hội. Về kinh tế, công bằng thể hiện trên cả ba mặt: công bằng trong quan hệ sở hữu, công bằng trong tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất và hoạt động kinh tế nói chung, công bằng trong phân phối kết quả lao động, của cải vật chất, văn hóa. Điều chủ yếu của công bằng dưới chủ nghĩa xã hội là: tất cả mọi người đều có quyền làm việc, quyền nghỉ ngơi, có quyền và có những điều kiện bảo đảm để được hưởng thụ các kết quả lao động của mình (sau khi khấu trừ các chi phí chung cho xã hội mà người lao động sẽ nhận lại dưới hình thức khác). Đó là nguyên tắc làm theo khả năng, hưởng theo việc làm. Cống hiến ngang nhau thì hưởng thụ ngang nhau, không ai có đặc quyền, đặc lợi. Ngoài phân phối theo lao động là chủ yếu, dưới chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại một số hình thức phân phối khác trong đó có phân phối theo tỷ lệ đóng góp vốn đầu tư, bởi đó cũng là việc làm có ích cho xã hội cần được tưởng thưởng. Chủ nghĩa xã hội vẫn thừa nhận, trong giới hạn nhất định, với những điều kiện nhất định, việc các cá nhân sở hữu tư liệu sản xuất, sử dụng lao động làm thuê. Lên đến xã hội cộng sản thì cơ chế này mới không còn là tất yếu nữa.

Further Reference:  Viết đoạn Văn Từ 10 đến 15 Dòng

Công bằng xã hội trên lĩnh vực kinh tế là cơ sở, là điều kiện cốt lõi của công bằng xã hội nói chung. Nói công bằng mà không nói đến kinh tế chỉ là nói suông.Nói công bằng trong kinh tế mà không nói công bằng trong quan hệ sở hữu cũng chỉ là nói suông. Nhưng công bằng về kinh tế chỉ có thể được bảo đảm thực hiện trên phạm vi toàn xã hội như một thể chế, một chế độ nếu đạt tới một phương thức sản xuất công bằng, đó là “một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”(6). Ở nước ta, trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, có giai đoạn (giai đoạn đầu) không nhất thiết phải có chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu thì mới có công bằng xã hội. Ở nước ta hiện nay, với nền kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo vẫn thực hiện được công bằng xã hội (công bằng hiểu theo nghĩa công bằng tương đối, có tính lịch sử). Tuy nhiên công bằng xã hội với tính cách mục tiêu của chủ nghĩa xã hội thì chỉ có thể đạt tới khi chế độ sở hữu cơ bản của xã hội là chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu như Cương lĩnh đã nêu. Nhưng chế độ công hữu tư liệu sản xuất mà chúng ta đang nói phải dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại thì mới bảo đảm công bằng xã hội. Chủ nghĩa xã hội hiện thực đã có bài học thực tế là: chế độ công hữu tư liệu sản xuất áp đặt một cách chủ quan duy ý chí, không dựa trên lực lượng sản xuất phát triển cao đã không đưa đến công bằng xã hội lâu bền mà nhiều lắm chỉ có thể đưa đến “công bằng” theo chủ nghĩa bình quân. Thứ “công bằng” này hàm chứa các yếu tố phủ định sự công bằng.

Tóm lại, tiêu chí “công bằng xã hội”, theo chúng tôi nhất thiết phải bao hàm mục tiêu tiến tới chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu gắn với lực lượng sản xuất hiện đại xã hội hóa cao.

Công bằng xã hội quan hệ mật thiết với “dân chủ”, đòi hỏi “dân chủ” vì dân chủ là điều kiện tiên quyết để thực hiện công bằng xã hội.

4- Về khái niệm “dân chủ”

Chúng ta quan niệm dân chủ (với nghĩa nhân dân làm chủ, trước hết làm chủ về chính trị tức nhân dân là chủ thể của quyền lực trong quốc gia) vừa là động lực, vừa là mục đích và bản chất của chủ nghĩa xã hội.

Trong Công thức “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh” được nêu lên từ Đại hội VIII không có từ “dân chủ” vì cho rằng xã hội “công bằng, văn minh” phải là xã hội dân chủ, “công bằng, văn minh” bao hàm dân chủ. Sau Đại hội VIII, Đảng nhận thấy cần bổ sung từ “dân chủ” vào công thức nói trên vì dân chủ là một tiêu chí quan trọng không thể thiếu được khi nói về chủ nghĩa xã hội và dân chủ có nội dung riêng, tương đối độc lập, không thể lồng ghép vào các khái niệm khác.

“Dân chủ’ trong cụm từ chúng ta đang bàn luận không phải dân chủ chung chung không có tính lịch sử và tính giai cấp, không phải dân chủ hình thức, dân chủ cho một số ít người có điều kiện để hưởng dân chủ, cũng không phải dân chủ chỉ về mặt nào đó như quyền phổ thông đầu phiếu chẳng hạn. Dân chủ với tính cách một tiêu chí của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là dân là chủ đất nước và dân làm chủ mọi công việc của đất nước quan hệ đến lợi ích, cuộc sống của mình; không chỉ làm chủ về chính trị mà còn làm chủ trong kinh tế, xã hội. Quan trọng của dân chủ là vấn đề quyền lực trong quốc gia trong tay ai? Hồ Chí Minh chỉ rõ:

“Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiều quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của dân

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân

Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra

Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(7)

Từ ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nước ta đã là nước dân chủ, kỷ nguyên chính quyền ở trong tay thiểu số (phong kiến, thực dân) đã chuyển sang kỷ nguyên độc lập tự do dân chủ, chính quyền ở trong tay đa số, trong tay nhân dân. Từ 1945 đến nay đã diễn ra quá trình xây dựng nền dân chủ nhân dân, và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thành tựu là to lớn, nhưng mới chỉ là bước đầu. Nền dân chủ non trẻ của đất nước nước ta còn đứng trước hàng loạt vấn đề thực tiễn và lý luận.

Mục tiêu “dân chủ” trong công thức “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” có nội dung phong phú, có trình độ cao hơn nhiều so với trình độ dân chủ hiện nay.

Further Reference:  Ngữ Văn Lớp 8 Thực Hành Tiếng Việt Trang 86

Dân chủ là giá trị lớn của loài người trong lịch sử và trong thời đại ngày nay. Có ý kiến nói trong mục tiêu “dân chủ”, chúng ta không nên phân biệt dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm đó không đúng. Chúng ta phải kế thừa rất nhiều, học hỏi rất nhiều ở dân chủ tư sản, song dân chủ mà chúng ta xây dựng khác về bản chất với dân chủ tư sản. Trong xã hội tư bản hiện đại, dân chủ tư sản đã phát triển ở trình độ cao, song quyền quyết định các công việc lớn của nhà nước và xã hội về thực chất không thuộc về đa số nhân dân, trên thực tế thuộc quyền các tập đoàn tư bản lũng đoạn, mặc dầu các quyết định đó được đưa ra từ các cơ quan quyền lực dân cử. Vấn đề là các cơ quan đại biểu quyền lực “của nhân dân” thực tế do ai dựng lên, đại biểu quyền lợi của ai, trong hoạt động chịu sự chi phối của ai? Có chính quyền tư sản nào có thể làm điều gì đó trái với lợi ích, ý chí của các tập đoàn tư bản lũng đoạn? Nhưng nó hoàn toàn có thể, trong trường hợp “cần thiết”, hành động ngược lại với lợi ích của đa số nhân dân.

Dân chủ có các cơ chế, thiết chế bảo đảm. Qua tổng kết thực tiễn, C.Mác đi đến kết luận rằng chế độ cộng hòa đại nghị là thiết chế hoàn bị nhất của nền dân chủ tư sản. C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.Lê-nin đã ra sức tìm tòi các hình thức, thiết chế của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhưng C.Mác và Ph.Ăng-ghen do chưa có thực tiễn, còn V.Lê-nin do thời gian lãnh đạo chính quyền Xô Viết quá ngắn ngủi, nên các vị chưa đi đến những kết luận có tính chất đột phá về vấn đều nêu trên.

Qua tổng kết thực tiễn, Đảng ta đi đến nhận định quan trọng rằng muốn hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phải hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa trong khuôn khổ pháp luật xã hội chủ nghĩa. Trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, khâu quan trọng nhất là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dưới chủ nghĩa xã hội “dân chủ” và “chuyên chính” đều trong khuôn khổ hiến pháp, luật pháp được nhân dân tạo lập theo cơ chế dân chủ. Sự hình thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không chỉ là sự thay đổi phương thức “quản lý”, phương thức thi hành quyền lực (do nhân dân ủy quyền) của Nhà nước, mà còn là sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội theo hướng dân chủ hóa, pháp chế hóa sự lãnh đạo của Đảng. Dưới chủ nghĩa xã hội, dân chủ không chỉ là một chế độ nhà nước mà còn tồn tại với tư cách một chế độ tự quản của nhân dân đối với mọi hoạt động xã hội. Do vậy, vai trò quản lý xã hội của các đoàn thể nhân dân ngày càng tăng lên.

Đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của các thiết chế chính trị – xã hội (Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội) là để thực hiện mục tiêu duy nhất: làm cho nguyên tắc “bao nhiêu quyền hạn đều của dân” được thực hiện một cách đầy đủ nhất, làm cho quần chúng nhân dân đông đảo thật sự quản lý nhà nước, quản lý xã hội vừa gián tiếp, vừa trực tiếp, chủ yếu là phương thức trực tiếp (khái niệm “quản lý” bao hàm cả thực thi quyền lực).

5- Về khái niệm “văn minh”

Cũng như khái niệm “dân chủ”, khái niệm “văn minh” lần đầu tiên được xem như một mục tiêu, tiêu chí của chủ nghĩa xã hội. “Văn minh” là khái niệm rất rộng, rất chung, khá trừu tượng, có thể hiểu thế này hay thế khác, vì vậy, với tính cách đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, nội dung khái niệm “văn minh” cần được xác định rõ.

Quan niệm xã hội xã hội chủ nghĩa phải là một xã hội văn minh xuất phát đầu tiên từ C.Mác. Chính ông đã dùng từ xã hội cộng sản văn minh để chỉ xã hội tương lai của loài người. Theo quan niệm của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không phải một xã hội biệt lập tách khỏi dòng chảy của nền văn minh nhân loại. Trái lại, chủ nghĩa cộng sản là kết quả tất yếu của sự phát triển của văn hóa, văn minh, trực tiếp là nền văn minh đạt được dưới xã hội tư bản. Song, chủ nghĩa xã hội có sứ mệnh chấm dứt tình trạng văn minh đi đôi với dã man, nghĩa là tình trạng “dường như là loài người càng chi phối thiên nhiên được nhiều hơn thì con người lại càng trở thành nô lệ của những người khác hay nô lệ cho sự đê tiện của chính mình”, tình trạng “tất cả những phát minh của chúng ta và tất cả sự tiến bộ của chúng ta tựa hồ như đang dẫn tới chỗ là những lực lượng vật chất có một đời sống tinh thần, còn đời sống của con người thì hạ thấp xuống trình độ những lực lượng vật chất đơn thuần”(8).

Ông Alvin Toffler gọi xã hội tư bản hiện đại là “nền văn minh làn sóng thứ ba”. Ông ta không chỉ ca ngợi những thành tựu kỳ diệu về khoa học, công nghệ (của loài người chứ không phải của riêng chủ nghĩa tư bản) mà chủ yếu ca ngợi các giá trị “vĩnh cửu” về tổ chức xã hội ở Mỹ và phương Tây. Nhưng Toffler “quên” mặt trái của nền văn minh ấy mà mặt trái đó lại thể hiện chủ yếu trên lĩnh vực tổ chức xã hội và quan hệ xã hội.

Nền văn minh mà chúng ta cần phát triển là nền văn minh toàn diện và nhân bản nhất. Đó không chỉ là văn minh vật chất – kỹ thuật mà còn là văn minh tinh thần, không chỉ văn minh trong quan hệ giữa người với thiên nhiên mà còn là văn minh trong quan hệ giữa người với người, văn minh trong tổ chức xã hội, văn minh trong chất lượng cuộc sống và lối sống. Đó là nền văn minh của một xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ”, nền văn minh của một xã hội do nhân dân làm chủ. Nền văn minh xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là kết quả của sự kế thừa những thành tựu của văn minh nhân loại kết hợp với sự kế thừa những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc. Xã hội xã hội chủ nghĩa phải là một xã hội hiện đại, văn minh, giàu bản sắc dân tộc.

Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là những mục tiêu không tách rời nhau, bổ sung cho nhau, mục tiêu này làm cơ sở, điều kiện, tiền đề cho mục tiêu kia. Đó là những mục tiêu lâu dài, những giá trị bền vững, từng bước được hiện thực hóa trong quá trình đổi mới đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Related Posts

Tập Văn Cúng Gia Tiên Pdf

Tập Văn Cúng Gia Tiên Pdf

Chúng tôi xin gửi đến quý vị thông tin mới nhất về – Cuốn sách Tập văn cúng gia tiên (tái bản 2018) được viết bởi tác…

Văn Phòng Gửi Hàng Hà Sơn Hải Vân

Văn Phòng Gửi Hàng Hà Sơn Hải Vân

Cước vận chuyển hàng hóa bằng ô tô có đắt không? May Be of Interest to You H Văn Song Tính Soạn Văn ếch Ngồi đáy Giếng…

Ngữ Văn Lớp 6 Trang 93 Chân Trời Sáng Tạo

Suy ngẫm và phản hồi 3May Be of Interest to You Giáo án Ngữ Văn 9 Tổng Kết Về Từ Vựng đoạn Văn 6-8 Câu Về Lòng…

Văn Khấn Hóa Vàng ông Công ông Táo

Sau khi làm lễ xong gia chủ bắt đầu thực hiện việc hóa vàng. Việc đọc văn khấn hóa vàng để có thể biết được phần tiền…

Chung Cư Ct2 Văn Khê

Mua Bán căn hộ chung cư dự án Văn Khê tháng 4/2024 Hiện nay xu hướng lựa chọn mua căn hộ chung cư dự án Văn Khê…

Bố Cục Văn Bản Lớp 8

Soạn bài Bố cục của văn bản I Bố cục của văn bảnMay Be of Interest to You Văn Phòng Công Chứng Kim Ngưu đề Thi Ngữ…