<php> the_title();</php>

Tiểu Thuyết Việt Nam Sau 1986

Nguyễn Thành

Năm 1986 được ghi nhận là dấu mốc quan trọng về sự thay đổi trên nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, trong đó có văn học. Công cuộc đổi mới văn học, thực tế đã diễn ra từ sau 1975, tuy nhiên, trong khoảng thời gian 1975 – 1985, giới văn nghệ chỉ mới dò đường. Từ 1986 trở về sau, văn học mới thực sự đổi mới và đổi mới mạnh mẽ, trong đó có tiểu thuyết. Tiểu thuyết từ 1986 đến nay đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, theo tôi, có những lý do sau:

– Công cuộc đổi mới đất nước, trước hết là đổi mới tư duy, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) tạo khởi động quan trọng cho việc xác lập tầm nhìn và góc nhìn đời sống đa chiều, đa diện của đội ngũ sáng tác, thúc đẩy sự tiếp nhận và hội nhập văn học thế giới sâu rộng của đội ngũ lý luận, phê bình văn học.

– Bản thân giới sáng tác cũng có nhu cầu thúc bách về sự đổi mới văn học, vì trong nhiều thập kỷ, do hoàn cảnh chiến tranh, nhiều nhà văn tạm gác lại khát vọng phụng sự nghệ thuật để gánh vác sứ mệnh phụng sự dân tộc. Trong mười năm sau ngày đất nước thống nhất (1975 – 1985), không ít lần, nhiều nhà văn bày tỏ nhu cầu đổi mới văn học. Và đến lượt, văn học tự mình tìm kiếm một lối viết mới, coi trọng nội dung nhân văn và hình thức mới mẻ. Cái mới trở thành một tiêu chí tồn tại.

– Tiểu thuyết là thể loại có khả năng miêu tả cuộc sống bề bộn, phức tạp, tiểu thuyết cũng là nơi mà nhà văn có thể tung tẩy các yếu tố kỹ thuật, nghệ thuật. Tiểu thuyết, trong bản chất của nó, luôn hướng đến cái nhìn đời tư về xã hội và con người. Theo cách diễn đạt của M. Bakhtin, tiểu thuyết khước từ cái nhìn nguyên phiến, đơn diện, một chiều. Ở một góc độ nào đó, tiểu thuyết là thể loại mang tính dân chủ nhất trong các thể loại văn học. Rõ ràng sau 1986, với sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của nhiều thành phần kinh tế, cùng với nó là sự tồn tại và phát triển của các lĩnh vực thuộc kiến trúc thượng tầng (văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng), con người cũng thay đổi. Bên cạnh con người công dân, con người nhập cuộc, nhiều khát vọng hoặc tham vọng; còn xuất hiện các kiểu con người mới mẻ: con người đời tư với những âu lo, bi kịch; con người tự nhiên với những khát vọng bản năng thầm kín; con người hoài nghi, bất an… Đây chính là mảnh đất màu mỡ của tiểu thuyết.

– Sự giao lưu và hội nhập với văn học thế giới ngày càng sâu rộng đã cung cấp cho nhà văn sự tiếp nhận nhanh chóng và từ đó tạo nên tâm thế tự tin cho họ trong việc đổi mới lối viết, cách viết, tiệm cận với tư duy nghệ thuật của thế giới đương đại trên nền tảng của triết học, mỹ học nhân văn, nhân bản và những giá trịbản sắc dân tộc.

Tiểu thuyết đương đại khá phong phú và đa dạng xét từ bình diện nội dung lẫn hình thức, do chưa bao giờ các nhà văn có điều kiện và khát vọng thể hiện cá tính sáng tạo của chính mình một cách trọn vẹn như hiện nay. Xét từ góc độ nội dung, chúng tôi nhận thấy tiểu thuyết sau 1986 khá nổi bật với những đề tài (và cùng với đề tài là chủ đề) sau: nông thôn, chiến tranh, lịch sử, đô thị (Ranh giới đề tài là có tính tương đối, nhất đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1975 đến nay, khi nhà văn mở rộng tầm bao quát với các mảng không gian khác nhau):

  1. Đề tài nông thôn

Vấn đề nông dân và nông thôn là đối tượng quan tâm của tiểu thuyết Việt Nam suốt cả thế kỷ 20 và cả những thập niên đầu thế kỷ 21. Ở một đất nước hơn 70 % là nông dân và nông thôn, là nơi lưu giữ căn bản những giá trị truyền thống và cả những tập quán lạc hậu; là nơi thử thách các chính sách của nhà nước qua các thể chế; là nơi sẵn sàng nhất cho việc huy động con người tham gia vào các cuộc chiến tranh, chắc chắn đây là nơi nảy sinh nhiều nhất những vấn đề xã hội trong hơn một thế kỷ qua. Tuy nhiên, vấn đề nông dân và nông thôn, ở mỗi giai đoạn khác nhau cũng có sự khác nhau. Trong tiểu thuyết trước Cách mạng tháng Tám, mối quan tâm chủ yếu của các nhà văn là chuyện xung đột giữa nông dân với cường hào địa chủ, quan lại và những bi kịch của họ do chính sách của nhà nước thực dân, phong kiến hoặc do bộ máy thống trị gây ra (Tắt đèn, Việc làng – Ngô Tất Tố, Bước đường cùng – Nguyễn Công Hoan, Vỡ đê – Vũ Trọng Phụng). Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chủ đề của tiểu thuyết về nông thôn là phản ánh những xung đột giữa tư hữu và công hữu, giữa lợi ích cá nhân và tập thể, giữa bảo thủ, phản động và tiến bộ; là ca ngợi nghị lực, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, tinh thần làm chủ tập thể và vì tập thể (Cái sân gạch – Đào Vũ, Tầm nhìn xa – Nguyễn Khải, Bão biển – Chu Văn, Đất làng – Nguyễn Thị Ngọc Tú), bi kịch của người phụ nữ nông thôn do hủ tục liên quan đến hôn nhân gia đình (Đi bước nữa- Nguyễn Thế Phương). Trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1985, ngoài sự thay đổi từ thời chiến sang thời bình thì hầu như đời sống xã hội ở nông thôn không có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, thậm chí còn nảy sinh những tiêu cực do sự suy thoái kinh tế trầm trọng. Vào những năm tám mươinhờ những thành tựu bước đầu của đổi mới về chủ trương xóa bao cấp, khoán sản phẩm (1981), rồi tiếp đến là giao quyền tự chủ cho nông dân trong sản xuất, sử dụng ruộng đất và tiêu thụ sản phẩm (1988) đã tạo nên sự hồi sinh cho nông thôn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới nảy sinh, đó là sự xung đột dòng họ do tranh giành quyền lực, các tệ nạn xã hội do đô thị hóa, sự tha hóa của đội ngũ quản lý và hậu quả chiến tranh để lại.

Vào thập kỷ 90, nông thôn bắt đầu thể hiện rõ dấu ấn tác động từ công cuộc đô thịhóa. Bên cạnh những nét tích cực (đời sống vật chất tốt hơn, không khí làng xã sinh động, sáng sủa), cũng đã xuất hiện không ít những tiêu cực (tư tưởng bè phái, dòng họ, lối sống thực dụng). Trong văn học sau 1975, đặc biệt là từ 1986 đến nay, tiểu thuyết về nông thôn nở rộ với khá nhiều xu hướng: phản ánh, cảnh báo những xung đột, hủ tục, cái xấu, cái ác, tiêu cực ở nông thôn (Mảnh đất lắm người nhiều ma – Nguyễn Khắc Trường, Ma làng – Trịnh Thanh Phong, Giã biệt bóng tối – Tạ Duy Anh), nông thôn trong thời chiến tranh và hậu chiến với nhiều thương tích, bi kịch và tha hóa (Bến không chồng – Dương Hướng, Dòng sông mía – Đào Thắng, Gia phả của đất – Hoàng Minh Tường …). Đặc biệt, mảng viết về cải cách ruộng đất từ cái nhìn phản tỉnh đã đi sâu vào việc truy tìm và lý giải những bi kịch của người nông dân và nông thôn thời cải cách ruộng đất (Chuyện làng Cuội – Lê Lựu, Lão Khổ – Tạ Duy Anh, Ba người khác – Tô Hoài, …). Tiểu thuyết về nông thôn sau 1986 thể hiện cái nhìn nhân văn, truy đến tận cùng sự thật của vấn đề với ý thức cảnh báo mạnh mẽ và thái độ đồng cảm sâu sắc. Nổi bật trong tiểu thuyết về nông thôn sau 1986 là sự ám ảnh về bi kịch của con người với các lý do khác nhau: do hủ tục tồn tại dai dẳng, do chiến tranh, do đời sống khổ cực và ấu trĩ thời bao cấp, do một số sai lầm trong cải cách ruộng đất, do sự tha hóa của con người.

  1. Đề tài chiến tranh

Đề tài chiến tranh từng là đề tài trung tâm trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 và nó tiếp tục là một đề tài lớn của văn học Việt Nam sau 1975. Đề tài này chính là nơi thử bút của nhiều nhà văn, đưa họ trở thành những tên tuổi lớn của nền văn học (Nguyễn Đình Thi, Hữu Mai, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Sáng, Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Bảo Ninh, Lê Lựu,…).

Tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 như một bản lề khép, mở các chủ đề văn học khác nhau về đề tài chiến tranh: sử thi/phi sử thi, lý tưởng hóa/hiện thực hóa, cái nhìn luân lý /cái nhìn nhân bản. Sự khác nhau về chủ đề không quyết định chất lượng của tác phẩm, cái quyết định chất lượng của tác phẩm chính là ở khả năng tái hiện sự kiện, miêu tả con người và chiều sâu tư tưởng triết mỹ của nhà văn được lồng kết ở trong đó. Tiểu thuyết về chiến tranh sau 1986 có lợi thế trong độ lùi thời gian cần thiết để nhìn lại cuộc chiến tranh đã qua trong một sự bao quát đầy đủ hơn, với một suy ngẫm sâu sắc hơn về dân tộc, về thân phận con người, về kết quả và hậu quả của cuộc chiến, về sự vinh quang và tinh thần hòa giải. Thời xa vắng (Lê Lựu), Ăn mày dĩ vãng, Ba lần và một lần (Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Rừng thiêng nước trong (Trần Văn Tuấn), Tàn đen đốm đỏ (Phạm Ngọc Tiến), Góc tăm tối cuối cùng, Những bức tường lửa, Đối chiến (Khuất Quang Thụy), Bến đò xưa lặng lẽ (Xuân Đức), Vùng lõm (Nguyễn Quang Hà), Vùng sâu (Tô Nhuận Vỹ), Trong nước giá lạnh (Võ Thị Xuân Hà), Hoang tâm (Nguyễn Đình Tú)…

Further Reference:  Duong Di Kho

Nhiều vấn đề được nêu và đặt ra trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1986 là mới mẻ, thể hiện nỗ lực đổi mới vượt bậc của các nhà văn. Tiểu thuyết về chiến tranh sau 1986 khiến người đọc suy ngẫm nhiều hơn về những vấn đề liên quan trực tiếp đến con người, cả người trong cuộc và ngoài cuộc; người đã trải qua, người trực tiếp chứng kiến và người được nghe kể lại.

Trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, đề tài chiến tranh có sự vận động khá rõ qua các giai đoạn: xu hướng sử thi đậm đặc các chiến công, chiến tích (1945 – 1975), âm hưởng sử thi nhưng gắn với những khó khăn khốc liệt của cuộc chiến (1975 – 1985), xu hướng sử thi nhưng đặt đối phương trong thế tương quan về trí tuệ, nhân cách, nghị lực và xu hướng phi sử thi gắn với số phận, thân phận con người trong và sau chiến tranh (1986 – 2015). Mỗi giai đoạn có những đặc điểm thi pháp riêng, có ưu thế riêng. Tuy nhiên, cái nhìn nhân bản về cuộc chiến và cùng với nó là sự đổi mới phương thức thể hiện (đi sâu vào tâm linh, gia tăng yếu tố ảo, phân tích tâm lý và kỹ thuật đồng hiện) đã giúp tiểu thuyết về chiến tranh sau 1986 thực sự hội nhập với văn học thế giới. Đọc trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1986, người đọc cảm nhận được những vấn đề sâu sắc chiến tranh liên quan đến số phận từng con người. Hậu quả ghê gớm của chiến tranh, sự tàn phá thiên nhiên, hủy diệt sự sống, tình yêu và nhân cách con người và những di chứng của nó (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh). Bi kịch của người lính trở về môi trường nông thôn sau khi kết thúc chiến tranh (Bến không chồng – Dương Hướng). Bi kịch của người lính xuất thân từ môi trường nông thôn nặng nề hủ tục, lúc trưởng thành thì lại sống trong môi trường tuy chân thành nhưng ấu trĩ, cộng với bản tính lương thiện, chất phác nhưng thiếu tự tin, lối sống đơn giản, xuề xòa dẫn đến hệ quả luôn gặp bất hạnh trong tình yêu và gia đình (Thời xa vắng – Lê Lựu).Sự cố tình lãng quên quá khứ một thời gian khổ, hào hùng do sự choáng ngợp trước cuộc sống thời bình, dẫn đến sự chối bỏ chính mình, chối bỏ đồng đội (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai). Đối với người lính, kinh qua trận mạc, điều có thể tha thứ là những lỗi lầm, thậm chí là sai lầm của chuyện riêng tư của cá nhân, còn cái không thể tha thứ khi điều đó làm tổn thương đến lòng tự tôn dân tộc (Ba lần và một lần – Chu Lai). Tình đồng chí, đồng đội, những cái chết rùng rợn, tội ác của kẻ thù, sự cao thượng của người lính cách mạng (Tàn đen đốm đỏ – Phạm Ngọc Tiến). Ngay cả những tác phẩm vẫn ít nhiều giữ âm hưởng sử thi thì cái nhìn về “phe ta” và “phe địch” cũng có nhiều thay đổi so với trước. Nhân vật “phe ta” không hiện diện như những con người được lý tưởng hóa, bao gồm sự kết hợp những nét đẹp về ngoại hình, về tính cách, tâm hồn, về thành phần xuất thân, mà là những con người bình thường, với những khiếm khuyết hoặc về ngoại hình, hoặc về tính cách, hoặc nguồn gốc xuất thân, có nghĩa họ không phải là những con người đẹp toàn diện như những viên ngọc không tì vết (Khúc bi tráng cuối cùng – Chu Lai,Những bức tường lửa – Khuất Quang Thụy, Rừng thiêng nước trong – Trần Văn Tuấn, Bến đò xưa lặng lẽ – Xuân Đức). Ngược lại, nhân vật phe địch cũng không phải những con người xấu toàn diện, mà họ cũng là những con người bình thường, trong chiến trận biết xông pha, trong đời thường cũng có tình cảm với gia đình, vợ con, cũng có tâm hồn lãng mạn (Thượng Đức – Nguyễn Bảo, Ngày rất dài – Nam Hà, Xuân Lộc – Hoàng Đình Quang. Trong cái nhìn của một số nhà văn đương đại, kẻ thù của chúng ta ở bên kia chiến tuyến cũng có một số nét tính cách tích cực, họ là những người có suy tư, có khát vọng hòa bình và có lý tưởng khi cầm súng. Họ không phải là những kẻ khát máu, điên cuồng trong cuộc chiến, nhưng họ thất bại vì thiếu chính nghĩa, do đó không có sự cộng hưởng của cộng đồng (Đối chiến – Khuất Quang Thụy).

Nhìn chung, tiểu thuyết về chiến tranh sau 1986 thể hiện cái nhìn đầy suy ngẫm trên tầm triết mỹ của nhà văn sự sống – cái chết, chiến tranh – hòa bình, quá khứ – hiện tại trong một tư duy gợi mở, đầy tính đối thoại.

  1. Đề tài lịch sử

Lịch sử là hiện thực gián cách với con người hiện tại, nhưng đối với các nhà tiểu thuyết, lịch sử không hẳn là chuyện đã qua, mà lịch sử còn là thực tại đầy sống động. Bởi vì lịch sử là nơi để các nhà văn lấp đầy các khoảng trống về tư tưởng, tâm lý, tình cảm, khát vọng của con người và của chính mình. Bước vào giai đoạn đổi mới, nhiều vấn đề xã hội và con người nảy sinh, nhiều câu hỏi được đặt ra từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn nhưng chưa có lời giải: số phận con người trong dòng lịch sử, con người và quyền lực, đổi mới và hội nhập, sự tồn vong của dân tộc trong hoàn cảnh bị ngoại bang xâm chiếm,… Tiểu thuyết lịch sử từng có vị trí trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại và hiện đại và nó tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong văn học đương đại. Đã có hàng trăm tiểu thuyết lịch sử được xuất bản từ 1986 đến nay, trong đó có nhiều tác phẩm được giải thưởng, điều đó cho thấy sự thu hút của đề tài lịch sử đối với các nhà văn hiện nay. Mưu sĩ Quang Trung: Trần Văn Kỷ (Hoài Anh), Khúc khải hoàn dang dở (Hà Ân), Tây Sơn bi hùng truyện (2 tập) (Lê Đình Danh), Đất trời (Nam Dao ), Lê Lợi, Bà Triệu (Hàn Thế Dũng), Mười hai sứ quân (Vũ Ngọc Đĩnh), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải), Đàn đáy (Trần Thu Hằng), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh), Thế kỉ bị mất (Phạm Ngọc Cảnh Nam), Huyền Trân (Nguyễn Hữu Nam),(2003), Chiếc ngai vàng, Lý Công Uẩn (Ngô Văn Phú), Kinh đô rồng, Một thời vàng son, (Nguyễn Khắc Phục), Nguyễn Du (Nguyễn Thế Quang), Anh hùng Tiêu Sơn, (Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ), Bí mật hậu cung, Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng (Bùi Anh Tấn), Con ngựa Mãn Châu, Hội thề (Nguyễn Quang Thân), Hồn thiêng sông núi (Hoàng Tiến), Khói mây Yên Tử (Vũ Ngọc Tiến),Sắc đẹp khuynh thành (Kiều Thanh Tùng), Thất thủ kinh đô Huế 1858, Tình sử Mỵ Châu (Thái Vũ)… Sự khác biệt giữa các nhà văn đương đại với trước đó khi viết về đề tài lịch sử là họ không xem lịch sử như một đối tượng cần phải tập trung làm sáng tỏ mà là như một sự gợi ý cho sự liên tưởng và khái quát về thế sự, nhân sinh; lịch sử chỉ là cái cớ, là phương tiện để nhà văn trao gửi những thông điệp với người cùng thời. Bài học về sự canh tân đất nước và bi kịch của triều đại nhà Hồ dưới sự dẫn dắt của nhà cải cách Hồ Quý Ly được Nguyễn Xuân Khánh miêu tả và lý giải thấu đáo: tư tưởng và bản lĩnh của nhà cải cách là rất cần nhưng chưa đủ, vì nếu không thu phục được lòng dân, không chú ý lợi ích của dân chúng thì những chủ trương dù tốt đẹp vẫn có thể bị thất bại (Hồ Quý Ly). Mối quan hệ giữa trí thức và quyền lực, giữa quan văn và quan võ, giữa tư tưởng hòa ái và hiếu chiến, giữa cái lợi lâu dài và trước mắt; con người cầm quân anh hùng, bản lĩnh và con người đời thường có lúc bản năng, thiển cận ở nhân vật Lê Lợi, người trí thức có tầm nhìn xa, trông rộng nhưng luôn cô đơn, bi kịch ở nhân vật Nguyễn Trãi (Hội thề). Bi kịch nhân sinh của con người nuôi giữ lòng thù hận, từ chối cả tình yêu để theo đuổi sự trả thù, cuối cùng khi học được cách trả thù thì thân xác cũng trở nên tàn tạ, nhưng đây cũng chính là con đường dẫn Từ Lộ đến sự giác ngộ, trở thành người tu hành đắc đạo (Giàn thiêu). Bản sắc văn hóa dân tộc như một sức mạnh tinh thần dẻo dai và bền vững có khả năng chống lại mọi sự xâm lăng và đồng hóa của ngoại bang (Mẫu Thượng Ngàn). Phật giáo khi được bản địa hóa trở thành tín ngưỡng văn hóa thì nó trường tồn và đồng hành cùng dân tộc, giúp con người cân bằng tâm lý, ứng xử và sinh tồn (Đội gạo lên chùa)…

Further Reference:  Các Dạng đề Nghị Luận Văn Học Lớp 9

Tiểu thuyết về lịch sử sau 1986, một mặt tiếp mạch sử thi của văn học giai đoạn trước 1975 ở những tác giả chuyên viết về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và các anh hùng dân tộc với quy mô hoành tráng và cái nhìn khẳng định, ngợi ca; mặt khác và hướng chủ yếu là miêu tả con người trong dòng lịch sử: đặt con người (không phân biệt vua chúa hay thường dân) từ các góc nhìn khác nhau để lột tả cho được những góc khuất chưa được lịch sử hé mở và chiều sâu của mọi thắng bại trong lịch sử dân tộc với ý thức đi tới cùng sự thật và bằng cảm hứng nhân văn. Trong âm hưởng nhân bản của tiểu thuyết đương đại, trong đó có tiểu thuyết lịch sử, đã xuất hiện tư duy giải thiêng. Giải thiêng trong tư duy hậu hiện đại là cái phi thần tượng hóa, vì vậy, nó cũng đồng thời gắn với tư duy phi sử thi. Giải thiêng, có hai khả năng: hạ bệ thần tượng và đời thường hóa thần tượng. Trong văn xuôi Việt Nam đương đại, cái nhìn của các nhà văn về nhân vật lịch sử thường không đi ngược lại tâm thức chung của cộng đồng, do vậy, khi viết về một số nhân vật lịch sử, dù trên tinh thần giải thiêng, họ cũng theo hướng đời thường hóa nhân vật lịch sử, tức là chú ý cả những biểu hiện có tính bản năng của con người (Sông Côn mùa lũ – Nguyễn Mộng Giác, Hội thề – Nguyễn Quang Thân,…). Trong sâu xa, việc đời thường hóa nhân vật lịch sử là phương thức vĩnh cửu hóa nhân vật lịch sử, chứ không phải làphủ định nó.

  1. Đề tài đô thị

Đời sống đô thị hiện đại tạo dấu ấn mạnh mẽ về sự năng động và tiến bộ của người Việt trong giai đoạn sau đổi mới. Công cuộc đô thị hóa của nước Việt lần thứ nhất diễn ra cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 dưới sự tác động của chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, dù không tự giác, nhưng bước đầu cũng đã góp phần hình thành diện mạo một số đô thị và cùng với đó là đời sống đô thị, văn hóa, văn minh đô thị. Sự hoài nghi ban đầu về văn minh đô thị của thế hệ trí thức Việt lúc bấy giờ có thể tìm thấy trong thơ Tú Xương, Nguyễn Bính. Còn dấu ấn của văn hóa đô thị thì rất rõ rệt trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Khái Hưng, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương,… Công cuộc đô thị hóa lần thứ hai gắn với công cuộc đổi mới đất nước từ 1986 đến nay thực sự tạo dấu ấn rõ nét cho diện mạo đô thị ở Việt Nam. Đời sống đô thị bao giờ cũng khác biệt đời sống nông thôn ở chỗ nó nghiêng về sự xô bồ, náo nhiệt, ý thức thụ hưởng, tính cạnh tranh, nhu cầu cá nhân, riêng tư của con người. Đời sống đô thị đương đại thể hiện rõ tính hội nhập với thế giới bên ngoài nhờ vào tâm thế sẵn có của chủ thể và điều kiện, phương tiện kết nối hiện đại phổ biến. Do vậy, nhìn vào con người đô thị có thể đánh giá khả năng giao lưu và kết nối của một quốc gia. Ở Việt Nam, giai đoạn 1986 – 2015, quá trình tái đô thị hóa, do chuyển đổi từ hoàn cảnh thời chiến sang thời bình, từ nền kinh tế bao cấp sáng kinh tế thị trường, từ cuộc sống bao cấp sang cuộc sống cạnh tranh, nên trong ở thời đoạn khởi điểm, bên cạnh những yếu tố tích cực là sự xuất hiện nhiều yếu tố tiêu cực. Tệ nạn xã hội khó kiểm soát. Đạo đức xuống cấp, lối sống chụp giựt, thực dụng lên ngôi. Chuẩn mực xã hội bị hiểu một cách lệch lạc. Đây chính là đối tượng quan tâm của các nhà tiểu thuyết. Viết về đời sống đô thị, bên cạnh miêu tả cuộc sống đời thường ngổn ngang, phức tạp, không ít gian nan nhọc nhằn vì mưu sinh, các nhà văn còn cảnh báo những vấn nạn liên quan đến quyền lực, đồng tiền, sự vô cảm và lối sống bản năng buông thả làm tha hóa con người. Đó cũng là lý do vì sao tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết về đề tài đô thị có sự phát triển phong phú và đa dạng: Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), Một cõi nhân gian bé tí (Nguyễn Khải), Phố (Chu Lai), Sóng ở đáy sông, Hai nhà (Lê Lựu), Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Cõi người rung chuông tận thế, SBC là săn bắt chuột (Hồ Anh Thái), Nháp, Kín (Nguyễn Đình Tú), Bloger, Vực gió (Phong Điệp), Tường thành (Võ Thị Xuân Hà), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Cửa hiệu giặt là (Đỗ Bích Thúy)…

Trong các sáng tác về đề tài đô thị đương đại, có một mảng viết về chuyện đồng tính hoặc liên quan đến chuyện đồng tính (Một thế giới không có đàn bà, Les-Vòng tay không đàn ông (Bùi Anh Tấn), Bóng (tự truyện của Nguyễn Văn Dũng do Hoàng Nguyên, Đoan Trang viết), 198X (Quỳnh Trang), Lạc giới(Thuỷ Anna), Song song(Vũ Đình Giang), Không lạc loài (tự truyện của Thành Trung do Lê Anh Hoài viết), Xin lỗi em, anh đã yêu anh ấy, Chuyện tình của Lesbian và Gay(Nguyễn Thơ Sinh),…

Văn học viết về đồng tính ở Việt Nam xuất hiện muộn so với thế giới, nhưng có lúc nở rộ sau một thời gian dài hoàn toàn vắng bóng trong lịch sử văn học, do cái nhìn kỳ thị của xã hội về người đồng tính. Ngày nay, khi xã hội chấp nhận và tôn trọng quyền riêng tư của người đồng tính, thì chuyện đồng tính trở thành vấn đề bình thường trong văn học. Văn học về người đồng tính thể hiện cái nhìn đồng cảm, chia sẻ về thân phận hoặc miêu tả các biến thái tâm lý của nhân vật qua những mối quan hệ phức tạp, thường được che dấu do mặc cảm dị biệt. Văn học đồng tính thường gắn với chủ đề tình dục và sự cô đơn của con người, có khi kèm thêm chuyện phạm tội do mặc cảm tâm lý gây bức xúc, dẫn đến tội ác. Vì vậy, nếu nhà văn có cái nhìn chia sẻ thì tác phẩm có giá trị nhân văn, nếu ngược lại thì có khả năng nó trở thành sự phỉ báng người đồng tính, khiến cho họ càng thêm khép kín.

Như vậy, qua hệ thống chủ đề của tác phẩm, đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt của tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay. Sự thay đổi chủ đề cũng đồng thời làm thay đổi quan niệm về con người. Con người đời thường, bản năng trong tiểu thuyết sau 1986 chiếm một số lượng và chất lượng đáng chú ý. Con người bản năng từng hiện diện trong văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, nhưng vắng bóng trong văn học cách mạng 1945 – 1975, mặc dù nó đã từng hiện diện trong văn học giai đoạn 1930 – 1945. Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, con người bản năng và mặt bản năng của con người có dấu ấn rõ rệt. Con người bản năng và yếu tố bản năng trong con người là một vấn đề thuộc về nhân bản như một tất yếu trong cuộc sống đời thường. Bản năng giúp nhà văn tạo cái nhìn đúng đắn về con người và giúp họ lý giải được những vấn đề thường nhật của xã hội. Bản năng gắn với cảm hứng giải thiêng của nhà văn. Bản năng giúp nhà văn lý giải sự tha hóa, bi kịch của con người. Trong hành vi bản năng của con người có hoạt động tình dục, vì thế, trong tiểu thuyết sau 1986, yếu tố tình dục (thường được gọi là S.E.X) chiếm một vị trí rõ rệt. Tình dục như một nhu cầu bình thường làm hoàn thiện chân dung con người; tình dục gắn với sự thiếu kiểm soát như là dấu hiệu của tha hóa nhân cách; tình dục gắn với nỗi cô đơn của con người do hoàn cảnh và thân phận; tình dục gắn với sự phạm tội… Chủ đề tính dục đã được thể hiện từ lâu trong lịch sử văn học thế giới. Ở Việt Nam, do đặc thù văn hóa cộng với hoàn cảnh lịch sử, các nhà văn Việt Nam trong thời chiến tranh thường không miêu tả chuyện tình dục, do vậy nhân vật bản năng và chuyện S.E.X dường như không có chỗ trong tác phẩm văn học. Con người bản năng, tự nhiên cùng với con người ý thức, xã hội tạo nên sự hoàn thiện trong quan niệm về con người, giúp nhà văn biểu đạt một thế giới phồn tạp như chính cuộc sống đương đại. Quan niệm về con người trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 thực sự phong phú và đa dạng: con người ý thức, con người bản năng, con người khát vọng, con người cô đơn, con người lương thiện, con người tha hóa, con người hành động, con người tâm linh… Có khi trong mỗi nhân vật có sự kết hợp nhiều kiểu con người cùng một lúc. Nhân vật vì thế không đơn diện, một chiều.

Further Reference:  đây Thôn Vĩ Dạ Học Sinh Giỏi

Tuy nhiên, ở đây không chỉ là sự thay đổi chủ đề mà quan trọng hơn là sự đổi mới về phương thức thể hiện. Tiểu thuyết sau 1986 so với trước đó có những đổi mới nổi bật sau: gia tăng chất tiểu thuyết trong tiểu thuyết với sự ưu tiên dành chỗ cho những chuyện đời tư của con người; tăng cường tối đa tính hư cấu, tưởng tượng; gia tăng yếu tố ảo; tăng cường tính đối thoại, tranh biện; chú trọng cái nhìn đơn biệt, nhiều chiều và hướng đến sự đa dạng, đa diện. Đặc điểm này đã được biểu hiện bằng các phương thức nghệ thuật hiệu năng trong tác phẩm.

– Tiểu thuyết đương đại xuất hiện đậm đặc yếu tố ảo trong các chi tiết về không gian, thời gian và nhân vật.Yếu tố tâm linh, ảo hóa có chức năng cảnh báo cái xấu, cái ác. Cái ảo xuất hiện trong tác phẩm tả thực, một phần là để hạn chế sự trần trụi, nghiệt ngã của cái thực, một phần là để góp phần lột tả cái thực một cách thực hơn. Các nhà tiểu thuyết đương đại khi viết về nông thôn thường sử dụng nhiều yếu tố ảo như một thủ pháp nghệ thuật dựa trên các truyền thuyết và theo phương thức huyền thoại hóa dựa trên tín ngưỡng tâm linh của dân gian (Dòng sông mía của Đào Thắng). Bên cạnh chi tiết ảo, các nhà văn còn sử dụng các nhân vật ảo và người trần thuật ảo để mở rộng biên độ trần thuật. Nhân vật ảo dưới dạng thức là hồn ma hay các hình thức tương tự đã từng xuất hiện trong văn học dân gian và văn học trung đại gắn với niềm tin của con người về một thế giới khác tồn tại song hành với thế giới trần gian hiện hữu. Trong văn học đương đại, khi cái ảo được ý thức như một thủ pháp nghệ thuật, thì nhiều nhà văn cũng đã thử nghiệm kiểu nhân vật ảo và người trần thuật ảo (Tàn đen đốm đỏ – Phạm Ngọc Tiến, Giã biệt bóng tối – Tạ Duy Anh ). Yếu tố kỳ ảo có khi gắn với chức năng huyền thoại hóa lịch sử. Trong văn học đương đại, yếu tố huyền thoại đôi khi trở thành một phương thức tạo cái ảo, chủ yếu là trong tiểu thuyết lịch sử. Lịch sử không chỉ là sự kiện. Bản thân lịch sử còn dung chứa trong nó văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng,… có nghĩa là trong lịch sử (sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, không gian bối cảnh lịch sử) luôn ẩn chứa những huyền tích, huyền thoại. Yếu tố kỳ ảo chắp cánh cho các huyền thoại, thu hút sự tiếp nhận của độc giả đương đại (Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa – Nguyễn Xuân Khánh).

– Từ chủ trương phi tâm hoá cái được miêu tả, một số nhà văn đương đại thường sử dụng kiểu kết cấu lắp ghép, phân mảnh của văn học hậu hiện đại. Kiểu kết cấu này dựa trên kỹ thuật lắp ghép (collage) của nghệ thuật điện ảnh. Điều này dẫn đến, về hình thức, cấu trúc truyện có vẻ rời rạc, lỏng lẻo. Nội dung được kể không tuân theo logic nhân quả, cái ảo và thực đan xen nhau, các đoạn hội thoại không đặt nặng tính hô ứng rõ rệt, câu chuyện thường hình thành theo kiểu chuyện nọ xọ chuyện kia. Và vì thế, hình thức truyện lồng truyện được khá nhiều nhà văn đương đại sử dụng. Trong một tác phẩm có thể tồn tại nhiều chuyện khác nhau, người kể cũng thay đổi (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh, Khải huyền muộn – Nguyễn Việt Hà, Thoạt kỳ thủy – Nguyễn Bình Phương),…

– Giới hạn tối đa lối trần thuật toàn tri của văn học trung đại, nhiều nhà văn đương đại đã sử dụng linh hoạt hai phương thức trần thuật từ ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, bằng cách thực hiện luân phiên điểm nhìn. Sự luân phiên điểm nhìn trong tác phẩm tạo cho tiểu thuyết đa thanh, phức hợp. Đây cũng là một bình diện đổi mới của một số nhà văn đương đại, rất đáng ghi nhận (Thiên thần sám hối, Giã biệt bóng tối – Tạ Duy Anh, Khải huyền muộn – Nguyễn Việt Hà, Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa – Nguyễn Xuân Khánh),…

– Khởi điểm của đổi mới phương thức thể hiện là thế giới ngôn từ. Các nhà văn đương đại tận dụng tối đa các diễn ngôn tiểu thuyết với các hình thức diễn đạt dí dỏm, thâm sâu, mới lạ trong nhiều tiểu tác phẩm, với các thủ pháp so sánh, ví von, giễu nhại. Đáng chú ý là sự tìm kiếm cách thể hiện mới cho các kiểu lời văn trần thuật, lời văn đối thoại, độc thoại.., tức là các bình diện rất cơ bản của ngôn từ tiểu thuyết (Thoạt kỳ thủy, SBC là săn bắt chuột, Nỗi buồn chiến tranh, Song song)… Một đặc điểm khác về ngôn từ trong văn xuôi tự sự đương đại là sự xuất hiện khá nhiều từ ngữ thông tục (Những câu chửi thề, những từ chỉ các bộ phận kín đáo của đàn ông, đàn bà; những từ ngữ chỉ hoạt động bản năng của con người). Đây là một chủ ý của các nhà văn viết trên tinh thần hậu hiện đại. Nhà văn hậu hiện đại chủ trương xoá bỏ khoảng cách giữa cao cấp và bình dân, giữa tinh tuyển và đại chúng. Vì thế, người viết sẵn sàng kết nhập lớp từ ngữ thông tục ở một giới hạn cho phép, không làm ảnh hưởng tính thẩm mỹ của tác phẩm văn chương. Từ ngữ thông tục là một cách thức tạo nên khí vị đại chúng của tác phẩm hậu hiện đại. Nó vừa phù hợp với tinh thần giải thiêng (không tuyệt đối hoá cái cao cả, cái phi thường của sử thi và lãng mạn), vừa phù hợp với chủ trương lấy tình dục thay thế tình yêu thiêng liêng, cao cả (cũng là của lãng mạn) mà những người hậu hiện đại đề xuất. Trong văn học đương đại, từ ngữ thông tục có thể xuất hiện ở trong cách nói năng của nhân vật chính diện trung tâm, kể cả những loại người mà lâu nay trong ý nghĩ của chúng ta, họ chỉ nói những từ ngữnghiêm trang, cao nhã. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Thiên thần sám hối), Nguyễn Bình Phương (Ngồi), Nguyễn Quang Thân (Hội thề),… Văn xuôi đương đại thể hiện sự gia tăng của ngôn ngữ vô thức như một phương thức biểu đạt trạng thái phi logic trong tâm lý con người, những khát vọng không thành hiện thực, phù hợp với việc miêu tả con người bản năng, con người tâm linh trong một thế giới bất an và đầy dục vọng (Thoạt kỳ thủy, Đội gạo lên chùa, Dòng sông mía, Bến không chồng, Tàn đen đốm đỏ)…

Tóm lại, với cái nhìn tổng quát, chúng ta cũng có thể dễ dàng ghi nhận thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam đương đại với những dấu ấn nổi bật thể hiện sự đổi mới về nội dung và hình thức qua một đội ngũ sáng tác hùng hậu và có phong cách. Chưa bao giờ văn học Việt Nam có một đội ngũ những nhà tiểu thuyết đông đảo và có nghề đến thế. Nếu quan niệm nghệ thuật là sự sáng tạo thì trong tác phẩm của nhiều cây bút tiểu thuyết từ 1986 đến nay, dấu ấn đổi mới thực sự rõ rệt. Mỗi nhà văn theo đuổi một lối viết. Nhiều cây bút chứng tỏ được nội lực trong một cuộc chạy tiếp sức ngoạn mục: Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Hoàng Quốc Hải, Bùi Anh Tấn, Dương Hướng, Hoàng Minh Tường, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy,… Và hiện nay, họ vẫn chưa dừng lại.

Related Posts

Vở Bài Tập Toán Lớp 3 Tập 2 Trang 80

Video vở bài tập toán lớp 3 tập 2 trang 80 Với giải vở bài tập Toán lớp 3 trang 80 Bài 32: Mi-li-lít sách Kết nối…

Hưng Nhượng đại Vương Trần Quốc Tảng

Video hưng nhượng đại vương trần quốc tảng Sự nghiệp của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng nhìn từ một vài mâu thuẫn trong dòng họ nhà…

Chia đuôi Danh Từ Trong Tiếng đức

Chia đuôi Danh Từ Trong Tiếng đức

Chắc hẳn với những bạn đang theo học tiếng Đức thì hiện tượng chia đuôi tính từ theo giống/số/cách không còn xa lạ. Nhưng bạn đã biết…

Array_map Trong Php

Array_map Trong Php

Ba khái niệm map, filter và reduce rất phổ biến và hay dùng trong Functional Programming (lập trình hàm). Nhưng với lập trình viên PHP, một ngôn…

Etap 18.1 1

Etap 18.1 1

ETABS 18.1.1 là phần mềm mô hình, phân tích và thiết kế kết cấu của tòa nhà. ETABS đã tích hợp mọi giai đoạn trong quá trình…

Giải Vật Lí 8 Sbt

Giải Vở bài tập Vật lý lớp 8 trọn bộ có đáp án Giải Vở bài tập Vật lý lớp 8 trọn bộ được VnDoc đăng tải,…